Quy Trình Sản xuất TVC

TVC luôn là đại sứ của thương hiệu, truyền tải những thông điệp mà sản phẩm của một nhãn hàng muốn đem tới cho tệp khách hàng của mình. Đặc biệt, với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện nay, TVC càng phát triển được nhiều cơ hội, dễ tiếp cận và gần gũi với khách hàng. Thế nhưng, để biết được một quy trình sản xuất TVC quảng cáo “chuẩn không cần chỉnh” và khai thác tối đa thế mạnh của nó thì chưa chắc các Marketers đã thực sự nắm rõ.  Vậy hãy cùng theo chân Cam khám phá và tìm hiểu sâu hơn về quy trình này nhé!

1. Tiếp nhận thông tin

Sản xuất một TVC hoàn chỉnh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của Agency (Đơn vị tư vấn), Production house (Đơn vị sản xuất) và Client (Khách hàng). Và tiếp nhận thông tin được coi là bước đầu tiên.

Trước hết, khách hàng sẽ cần cung cấp cho Agency bản Creative Brief – Đây là bản tóm tắt đầy đủ các thông tin cần thiết về doanh nghiệp để Agency dựa trên đó sáng tạo ý tưởng. Trong brief hoàn chỉnh thường bao gồm các yếu tố như:

  • Bối cảnh chiến dịch
  • Mục tiêu chiến dịch
  • Khách hàng mục tiêu
  • Thông điệp nhãn hàng
  • Các kênh truyền thông chính

Đây chính là bước đệm để các Agency thấu hiểu tâm lí khách hàng của mình, để bắt tay xây dựng ý tưởng đúng hướng nhất. Từ đó, Production House sẽ là người hiện thực hóa toàn bộ ý tưởng, cung cấp dịch vụ quay TVC quảng cáo cho doanh nghiệp.

2. Xây dựng ý tưởng

Sau khi nhận được Brief từ khách hàng, thấu hiểu mong muốn của họ, Agency sẽ bắt tay vào việc xây dựng ý tưởng. Đây là bước vô cùng quan trọng, đóng vai trò định hình “khung xương” cho cả sản phẩm TVC quảng cáo. Do đó Agency cần một ý tưởng lớn (Big idea) để có thể thâu tóm, truyền tải trọn vẹn dụng ý nhà sản xuất tới khán giả. Từ idea này, họ sẽ phát triển ý tưởng thành kịch bản, là nền móng để truyền tải thông điệp của nhãn hàng hướng tới. 

Sản phẩm của giai đoạn này cần có chính là một ý tưởng với kịch bản cụ thể của TVC. Đặc biệt hơn, kịch bản sẽ được phân tách rõ ràng 2 phần để đơn vị sản xuất có thể nắm chắc và dễ dàng thực hiện:

  • Kịch bản văn học: Biên tập viên cùng với đạo diễn sản xuất sẽ phải thống nhất và viết thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến khách hàng mục tiêu bằng ngôn từ chỉnh chu nhất.
  • Kịch bản hình ảnh: Sau khi đã thống nhất về mặt ý tưởng, đây sẽ là kịch bản nhằm phác họa ý tưởng đó bằng hình ảnh, hành động. lời thoại của diễn viên cũng như các cảnh quay một cách chân thực nhất

3. Pre-production: Giai đoạn tiền sản xuất

Từ giai đoạn này, Production House sẽ là người chịu trách nhiệm chính với sự cố vấn của Agency để hiện thực hóa ý tưởng TVC quảng cáo. Bởi công việc sản xuất sẽ mất rất nhiều kinh phí nên ekip sản xuất cần sự chuẩn bị kĩ càng nhất, tìm hiểu các khâu bao gồm:

Lựa chọn bối cảnh: Thời gian trung bình của TVC thường chỉ gói gọn từ 15s-60s mà phải nổi bật thông điệp, vậy nên bối cảnh luôn cần sự khảo sát, chắt lọc rất kĩ càng trước khi bắt đầu bấm máy.

Chuẩn bị đạo cụ: Việc có thêm đạo cụ đôi khi sẽ tăng tính tương tác và hiệu quả hơn rất nhiều cho đoạn quảng cáo. Đôi khi việc lựa chọn bối cảnh quá khó khăn thì việc dựng phim trường hay thiết kế đạo cụ chính là “trợ thủ đắc lực” của các nhà sản xuất.

Ví dụ như khi muốn quay TVC quảng cáo lấy bối cảnh 3 miền Bắc – Trung – Nam, để tiết kiệm chi phí di chuyển, ekip có thể quay toàn bộ tại Hà Nội và dựng phim trường bối cảnh với những đạo cụ là vật dụng đặc trưng 3 miền, tạo cảm giác gần gũi với người xem.

Trang phục: Bộ trang phục của diễn viên sẽ làm nổi bật tính cách nhân vật trong đoạn TVC hoặc còn mang cả dụng ý nhà sản xuất. Như nhân vật người nội trợ gia đình sẽ gắn với chiếc tạp dề, công việc nấu nướng; hay trong các quảng cáo của OMO, nhằm nổi bật slogan “Ngại gì vết bẩn”, trang phục các diễn viên thường là màu trắng để nhấn mạnh tính năng sản phẩm;,,,

Casting: Tìm kiếm diễn viên, gương mặt đại diện đang ngày càng được các thương hiệu chú ý và chắt lọc hơn. Họ không chỉ cần là những KOLs, người có tầm ảnh hưởng mà đôi khi, các thương hiệu còn chú ý tới việc: sản phẩm của mình liệu có thực sự gắn với chính cuộc sống thường ngày của các KOLs này?

Ví dụ cụ thể hơn: Ariel đã sử dụng KOL trong quảng cáo của mình là ca sĩ Mỹ Linh, không chỉ bởi đặc thù công việc của cô cần sự chú ý nhiều hơn về trang phục, vẻ ngoài; mà còn vì Mỹ Linh cũng là một người phụ nữ gia đình, cần chăm sóc cho các thành viên khác. Điều này đã đánh trúng tâm lí của những người nội trợ quan tâm đến sản phẩm này.

Có thể nói, càng có bước chuẩn bị tốt thì khi bước vào giai đoạn sản xuất quá trình càng được thuận lợi, suôn sẻ hơn mà vẫn đảm bảo được chất lượng.

4. Production: Tiến hành sản xuất, quay TVC

Ekip sản xuất cho giai đoạn này có thể coi là đông đảo nhất với nhiều bộ phận phụ trách khác nhau. Cùng Cam “đột nhập hậu trường sản xuất thực tế để khám phá các công việc của từng bộ phận nhé!

Đạo diễn (Director): Đạo diễn chính, trợ lí đạo diễn, thư kí trường quay…

Nhóm đạo diễn sẽ có trách nhiệm chính trong chỉ đạo diễn xuất các diễn viên, kiểm soát chung vấn đề nghệ thuật của các cảnh quay. Tuy nhiên khác với phim điện ảnh, sự sáng tạo của đạo diễn TVC sẽ phải cần trong khuôn khổ để đảm bảo đúng yêu cầu, nhất quán với ý tưởng các Agency đưa ra.

Tổ chức sản xuất: Executive Producer, Producer, Production Manager.

Nếu như nhóm đạo diễn phụ trách về nội dung thì nhóm này sẽ đảm bảo điều phối chung cho quá trình sản xuất. Họ nắm vai trò quản lí kinh phí, liên hệ các bộ phận, diễn viên, công tác hậu cần, sắp xếp lịch trình quay… Có thể coi đây là đội ngũ chuyên về tổ chức, giúp cả ekip có thể phối hợp ăn ý, hiệu quả.

Mỹ thuật: Giám đốc mỹ thuật (Art director), Thiết kế bối cảnh (Set decorator), Thiết kế đạo cụ (Prop maker), Stylist, Make up,…

Bối cảnh của TVC có được tái hiện trọn vẹn hay không? Trang phục diễn viên có thể hiện đứng với ý đồ đạo diễn hướng tới hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào chất lượng công việc nhóm Mỹ thuật.

Tổ quay: Chỉ đạo hình ảnh (Director of photography), Quay phim, Steadicam, Flycam.

Đây là bộ phận sẽ giúp đảm bảo khuôn hình và ánh sáng của đoạn TVC. Cùng một bối cảnh, biểu cảm của diễn viên, nhưng những góc quay, đánh sáng khác nhau sẽ góp phần tạo nên những cảm giác chân thực, độc đáo hơn rất nhiều.

Kĩ thuật và ánh sáng

Bộ phận này sẽ là “cánh tay phải đắc lực” trợ giúp cho tổ quay phim.

Trong quá trình sản xuất, yếu tố thời gian và thời tiết có thể coi là một trong những rủi ro lớn nhất gây cản trở. Vậy nên, các nhà làm phim thường phải tạo ra các yếu tố giả thời tiết như giả nắng, mưa, quay ngày giả đêm, quay đếm giả ngày,…Điều này cần có sự hỗ trợ từ các thiết bị ánh sáng để hiện thực hóa dụng ý bối cảnh.

Bên cạnh đó, một số cảnh quay cần các động tác máy khác như Thiết bị ray đẩy, Boom 13m, Timelapse, chống rung,… Điều này phụ thuộc một phần vào ngân sách sản xuất khác nhau để lựa chọn thiết bị phù hợp. Và tổ kĩ thuật sẽ chịu trách nhiệm chính trong điều khiển các thiết bị máy móc này.

Cuối cùng sản phẩm của giai đoạn này sẽ là các đoạn Footage quay thô theo đúng kịch bản đã đưa ra. 

5. Xử lý hậu kì sản xuất TVC quảng cáo

Giai đoạn này chiếm rất nhiều thời gian và công sức, khi bạn đã hoàn thành quay những cảnh quay thì việc cắt ghép những cảnh đó sao cho hợp lý, hay lồng ghép sao để ăn khớp với những gì đúng với thông điệp truyền tải đòi hỏi một cái nhìn tổng quát cao. Tiếp tục cùng Cam khám phá các yếu tố cần đảm bảo trong quá trình hậu kì này nhé:

Dựng phim Offline

Từ các cảnh quay thô, riêng rẽ nhau, quá trình dựng phim này sẽ là bước đầu xâu chuỗi các tình tiết lại, kể câu chuyện bằng hình ảnh để đưa ra một quảng cáo thô ban đầu.

Kĩ xảo

Với sự phát triển cao của công nghệ ngày nay thì các hiệu ứng hình ảnh (Visual effect) càng phổ biến giúp tạo những yếu tố khó thực hiện quay trực tiếp ngoài thực tế như: Hiệu ứng cháy nổ, đổ vỡ,… Kỹ xảo Greenscreen cũng được ưa chuộng khá nhiều giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí.

3D/ 2D Animation

Bên cạnh những clip quảng cáo cần yêu cầu diễn viên, nhiều TVC cũng lựa chọn sử dụng những hình ảnh hoạt hình để triển khai như Vinamilk với hình ảnh chú bò sữa, Comfort với nhân vật người vải… Vậy nên công nghệ hoạt hình 3D/ 2D Animation sẽ giúp ích rất nhiều để cho ra sản phẩm chất lượng nhất.

Hậu kì, chỉnh màu

Màu sắc cũng là yếu tố quan trọng đem lại cho người xem nhiều cảm xúc hơn, vậy nên mỗi nhãn hàng lại lựa chọn cho mình những màu sắc đặc trưng để tạo ra phong cách riêng của thương hiệu.

Ví dụ như màu trắng trong những TVC về sản phẩm kem dưỡng da, màu sắc rực rỡ trong những nhãn hàng cho trẻ em, hay tone màu nhẹ nhàng nữ tính trong những thương hiệu cho nữ giới..

Âm nhạc

Bên cạnh phần hình, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng để thu hút khán giả, đặc biệt là trẻ em. Những bài hát dễ nhớ, dễ hiểu sẽ trở thành phương tiện mạnh mẽ giúp khán giả ghi nhớ về thương hiệu. 

Kết thúc giai đoạn này, sản phẩm sẽ là bản dựng Online, hay còn có thể coi là bản hoàn chỉnh của TVC để sẵn sàng phát hành đến khán giả.

6. Phát hành TVC quảng cáo

Trước khi phát hành, các bên tham gia sẽ kiểm tra ấn phẩm để xác nhận rằng quảng cáo đảm bảo các điều khoản đã thỏa thuận, cũng như đáp ứng đủ tiêu chuẩn để phát hành trên các phương tiện truyền thông. Bởi truyền hình và đài phát thanh chỉ chấp nhận chạy quảng cáo khi sản phẩm của bạn đạt đủ những tiêu chuẩn của họ. Mỗi đài sẽ đặt ra yêu cầu về mức dung lượng của file video khác nhau (ví dụ như đài truyền hình ở Việt Nam luôn là format PAL (25fps) cho các clip quảng cáo nói chung…).

Đây là giai đoạn cuối cùng, là lúc sản phẩm được tiếp cận đến khách hàng, kết thúc quá trình sản xuất sản phẩm TVC của doanh nghiệp.